Lá cờ chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II đã xuất hiện ở một vài khu vực tại Ukraine do Nga kiểm soát.
Lá cờ chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II đã xuất hiện ở một vài khu vực tại Ukraine do Nga kiểm soát.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Sau Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9/1945) không lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong điều kiện bị bao vây tứ phía, vô cùng khó khăn. Vì vậy, cùng với phát huy tinh thần và truyền thống tự lực cánh sinh, tự lực tự cường, Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương đối ngoại sáng tạo "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không thù oán với một ai" nhằm phá vây, kết nối Việt Nam với thế giới, tranh thủ thủ sự ủng hộ quốc tế tạo sức mạnh đưa "kháng chiến, kiến quốc" đến thắng lợi. Trong khi đặt trọng tâm tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Trung Quốc - nước láng giềng vốn có mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa gần gũi, lâu đời, Việt Nam đã nỗ lực hướng đến thiết lập quan hệ với Liên Xô.
Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng vạn dặm, nhưng hai dân tộc đã có sự tiếp xúc từ rất sớm. Và từ sau Cách mạng tháng Mười (1917) hai dân tộc Việt - Nga mới thực sự có quan hệ gần gũi thông qua vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy cách xa về địa lý, nhưng Liên Xô rất gần gũi và có sức cuốn hút to lớn với người Việt Nam bởi lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều năm hoạt động trên đất nước của Lênin và đặt nền móng cho quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nỗ lực đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đến năm 1950, cục diện cách mạng Việt Nam có những chuyển biến căn bản theo hướng tích cực; thế và lực của ta ngày càng vững mạnh, cùng với những nỗ lực ngoại giao đã hội đủ yếu tố để các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Ngày 18/01/1950 Trung Quốc tuyên bố công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 30/01/1950 Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là các sự kiện rất quan trọng, không chỉ tăng cường vị thế nước ta trên trường quốc tế mà còn tạo điều kiện để Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác hỗ trợ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam.
Khoảng giữa tháng 2/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm (không chính thức) Liên Xô. Người đề nghị Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vật chất, nhất là vũ khí, đạn dược. Liên Xô quyết định thực hiện sự giúp đỡ Việt Nam thông qua Trung Quốc. I.V. Stalin đã thống nhất với Mao Trạch Đông "... chúng tôi đánh xong Đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí chưa dùng hết, chúng tôi có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí có thể chở một số sang Việt Nam".
Sau chiến thắng Biên giới (Thu Đông 1950), hơn 750 km biên giới Việt - Trung và 6 tỉnh phía bắc được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được nối thông với Trung Quốc, các nước bạn có điều kiện trực tiếp giúp Việt Nam.
Từ năm 1950, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược. Số hàng đầu tiên gồm pháo cao xạ 37 mm, một số xe vận tải mô-tô-lô-va và thuốc quân y quá cảnh qua Trung Quốc sang Việt Nam(1). Năm 1952, ta đề nghị Liên Xô viện trợ 10 tấn thuốc sốt rét (ký ninh), Liên Xô cấp tốc gửi ngay 500 kg. Cũng năm 1952, ta đề nghị Liên Xô viện trợ pháo cao xạ 37 mm cho 4 trung đoàn (144 khẩu và 10 cơ số đạn/khẩu), 72 khẩu pháo 76,2 mm và 10 cơ số đạn/khẩu, 200 khẩu súng phòng không 12,7 mm và 10 cơ số đạn/khẩu và đào tạo giúp 50-100 du học sinh. Liên Xô đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Việt Nam(2).
Tính chung, từ 5/1950 - 6/1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế (gồm 4.253 tấn vũ khí đạn, 73 tấn hàng quân giới, 5.069 tấn hàng vận tải, 9.590 tấn gạo, 1.505 tấn quân trang, 157 tấn hàng quân y 200 tấn hàng thông tin, 40 tấn hàng công binh; 715 xe ô tô vận tải, 24 khẩu pháo 105 mm và 1.000 viên đạn, 48 khẩu pháo 75 mm và 32.484 viên đạn, 76 khẩu pháo cao xạ 37 mm và 51.620 viên đạn) từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác với tổng trị giá 54 triệu Rúp. Trong số vũ khí đạn, toàn bộ pháo cao xạ 37 mm (76 khẩu và đạn đi cùng), toàn bộ hỏa tiễn Kachiusa (12 dàn 6 nòng và đạn đi cùng), toàn bộ súng tiểu liên K50 và đạn đi cùng, 685/715 chiếc ôtô vận tải và một số lượng lớn thuốc kháng sinh, ký ninh là do Liên Xô viện trợ. Còn các loại vũ khí bộ binh khác, pháo 105 mm, 75 mm và lương thực là do Trung Quốc viện trợ(3).
Trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn của Việt Nam khi tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì viện trợ quốc tế nói chung và của Liên Xô nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng nâng cao tiềm lực quân sự, sức chiến đấu của Quân đội ta. Vũ khí, trang bị của Liên Xô góp phần quan trọng nâng cao khả năng tiến công và sức cơ động của bộ đội ta trong các chiến dịch lớn. Đặc biệt, 12 dàn hỏa tiễn, pháo cao xạ 37 mm... do Liên Xô viện trợ đã góp phần tăng thêm sức mạnh tiến công của Quân đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Như vậy, với đường lối "kháng chiến, kiến quốc" đúng đắn cùng chủ trương và nỗ lực đối ngoại sáng tạo, Đảng và Chỉnh phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy và kết hợp được sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh quốc tế tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi cuối cùng, là nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
1. Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu giữa vòng vây, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995, tr.12.
2, 3. Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.72-73.