Cô Gái Đạt Học Bổng Harvard Business School University Of Usa

Cô Gái Đạt Học Bổng Harvard Business School University Of Usa

Ngôi nhà đầy ắp những bằng khen

Ngôi nhà đầy ắp những bằng khen

"Bạn phải trải qua những khó khăn trong lĩnh vực nào đó để biết mình có yêu nó không"

Chào Diệu Liên, vậy là bạn đã trở thành tân sinh viên ĐH Harvard hơn 2 tháng rồi. Mọi thứ đều ổn chứ? Có thể chia sẻ một vài cảm xúc của bạn lúc này được không?

Mình thực sự rất hứng thú. Mình đang ở một nơi cách nửa vòng trái đất so với nơi mình đã sống bao nhiêu năm qua, và mình có cảm giác như được nhận lấy một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, tìm lại được những đam mê, sở thích mà mình chưa có thời gian theo đuổi khi còn ở Việt Nam.

Mình còn được trải nghiệm một hình thức học tập mới, ở Mỹ, đặc biệt là ở Harvard, sinh viên phải trải qua 3 học kỳ thì mới xác định chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi. Vì vậy mình cảm giác rất tự do trong việc được chọn các khóa học khác nhau, mới lạ hơn để trải nghiệm mỗi lĩnh vực một ít. Dù trước đây mình luôn xác định sẽ theo ngành Khoa học kỹ thuật, nhưng theo quan điểm của mình thì: Bạn phải thật sự trải nghiệm những cái khó khăn nhất trong một lĩnh vực nào đó, thì bạn mới biết mình có yêu thích và đam mê nó như bạn vẫn nghĩ hay không.

Nói về việc tìm lại được những sở thích còn dang dở khi ở Việt Nam, đó là những điều gì Liên nhỉ?

Hiện tại, nước Mỹ đang vào thu, mọi thứ trước mắt mình như một bức tranh được phủ vàng của sắc lá rơi, của màu nắng dịu nhẹ và của những người bạn đáng yêu từ Harvard. Vì thế mình luôn mang theo chiếc máy ảnh bên người để chắc rằng mình sẽ không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc đẹp đẽ nào trong thời gian này.

Nhiếp ảnh là đam mê cháy bỏng của mình lúc còn ở Việt Nam nên khi ở đây mình có dịp để "bùng cháy". Khi trở lại Việt Nam, mình sẽ truyền đạt nhiều câu chuyện hơn nữa qua các bức ảnh về… đồ ăn Việt.

Ở Harvard, mình không chỉ cắm đầu vào học mà còn được trải nghiệm những bộ môn rất mới. Ngày còn nhỏ, mình thích đọc các Manga của Nhật Bản và say mê với các truyện tranh về đề tài Kiếm đạo. Thật tuyệt khi ở Harvard cũng có một CLB Kendo để mình tham gia.

Nói về việc phải dồn nhiều năng lượng để hòa nhập với môi trường, có lẽ việc kết bạn ở Harvard cũng có không ít khó khăn?

Kết bạn ở đây rất khác so với ở Việt Nam nên với tính cách của mình thì việc tìm ra người hợp tính ở Việt Nam dễ hơn ở Mỹ nhiều (cười). Dù vậy mình vẫn đang có những người bạn rất tuyệt vời. Người ta thường nói về sinh viên Harvard như những con mọt sách, môi trường học hành thì cạnh tranh nhau, phân chia giai cấp trình độ học vấn… nhưng mình cảm thấy không phải như thế. Có những sở thích cá nhân giúp mình kết bạn nhanh hơn. Chẳng hạn vào đầu năm học, khi tham gia chương trình dã ngoại cho sinh viên năm nhất thì anh đội trưởng của nhóm mình rất thích nấu ăn, chụp ảnh, thích vẽ và mình cũng có những sở thích như vậy. Do đó khi trò chuyện và chia sẻ với nhau về những thứ cả hai đã trải qua, mình cảm thấy rất thú vị. Bây giờ anh ấy cũng là người bạn thân nhất với mình ở Harvard.

Những người bạn mình từng gặp, họ đều có nhiều tính cách thú vị và nhiều câu chuyện khá hay ho mà mình có thể học tập được.

Các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, dạy học mái ấm mà bạn từng tham gia ở Việt Nam giúp ích được gì trong quá trình học tập ở Harvard?

Học kỳ này mình đang thử sức ở một khóa học về điện tử và thiết kế mạch điện. Đây là khóa học có tốc độ đi bài nhanh và tốn rất nhiều thời gian vì vừa phải nghe bài giảng trên lớp, làm bài tập ở nhà, vừa phải vào phòng lab để thực hành những gì đã học. Nhưng như mình đã nói, khi đứng ở ngoài nhìn vào một lĩnh vực mới mẻ nào đó, người ta chỉ thấy sự thú vị, chỉ khi lao vào lĩnh vực đó và vấp phải những khó khăn, người ta mới biết mình có đi đúng đường hay không. Chọn một khóa học không phải điểm mạnh, học cùng các anh chị đa phần là sinh viên năm 2 năm 3, thì đó là một trải nghiệm rất thú vị.

Ở Harvard có tuần gọi là "Tuần mua sắm" để học sinh học thử các môn học xem có phù hợp hay không và có quyền tự ý chuyển khóa nếu cảm thấy không phù hợp. Trong tuần đó, mình cảm thấy đây sẽ là khóa học đem lại cho mình nhiều kiến thức bổ ích nhưng mình cũng rất phân vân. Đa phần những học sinh đăng ký lớp này là các anh chị năm 2, năm 3 hoặc chắc chắn sẽ theo mảng Kỹ thuật điện trong chuyên ngành. Bản thân mình lại xác định sẽ không theo hướng Kỹ thuật điện nên khá đắn đo việc có nên đăng ký hay không. Khi có những sinh viên bắt đầu bỏ lớp thì mình bắt đầu tự hỏi nếu không theo chuyên ngành này thì dành nhiều thời gian cho một khóa học không phải điểm mạnh có thực sự phù hợp hay không.

Có những bạn đã bỏ khóa học này rồi nhưng vì trước đó ở Việt Nam mình từng làm 1 đề tài kỹ thuật điện cơ khí nên mình cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Mình nghĩ rằng dù có những khó khăn nhưng những điều mình đã đạt được ở Việt Nam đã tạo động lực cho mình vượt qua.

Trên facebook cá nhân, Liên đã chia sẻ rất nhiều về quan niệm, kiến thức, cũng như những lời khuyên khá bổ ích cho những bạn trẻ đang nuôi giấc mơ Harvard. Bạn gọi việc làm đó là PAY IT FORWARD. Bạn có thể giải thích sâu hơn về điều này không?

Mình rất thích kiểu PAY IT FORWARD. Mình sẽ "pay" những gì mình nhận được cho những người cũng đang cần, có thể là tài nguyên, nguồn cảm hứng... như mình lúc trước.

PAY IT FORWARD là cách để nhân rộng sự tốt bụng của mọi người đến với những người khác. Sự lan tỏa này sẽ tăng lên theo hàng số mũ, rất nhanh và rất rộng.

Liên từng chia sẻ rằng khi ở Việt Nam, bạn luôn đi ngủ vào lúc 10h30 tối và thức dậy vào 5h30 mỗi sáng. Thời gian biểu này có thay đổi gì khi bạn ở Harvard không?

Bạn biết không, trong tờ đơn đăng ký Ký túc xá, mình có ghi thêm một ý đó là mình mong muốn được ở cùng phòng với những sinh viên phải có giờ ngủ sớm giống mình. Đôi lúc mình muốn thức khuya nhưng nhìn các bạn đã đi ngủ cả mình cảm thấy quyết tâm và thoải mái hơn về việc giữ vững thói quen của mình. Mọi người rất tốt, luôn chủ động giúp đỡ mình ngay cả khi mình chưa lên tiếng nhờ vả.

Do có nhiều bài tập nên hiện giờ mình lên giường vào khoảng 11 giờ, đảm bảo giấc ngủ phải trọn vẹn ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Mình cảm thấy việc quản lý sức khỏe của bản thân cũng rất quan trọng.

Đích đến của Diệu Liên sau Harvard sẽ là gì?

Mình vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu sẽ đi theo con đường như thế nào. Nhưng cụ thể thì mình vẫn chưa xác định đích đến cụ thể. Mình chỉ biết rằng: Dù đi theo con đường nào, thì điều mình làm chắc chắn sẽ luôn có ích cho mọi người.

Cảm ơn và chúc Diệu Liên sức khỏe, thành công trên con đường bạn đã chọn.

Thành quả cho những nỗ lực của người mẹ lao công

Cô Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, mẹ của Diệu Liên) gắn bó với nghề lao công ở Sài Gòn hơn 20 năm qua. Cô từng làm lao công ở nhiều trường Đại học trong nội thành và hiện đang làm ở ký túc xá Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ngôi nhà nhỏ chừng 17m2 của Liên nằm trên đường Mai Thị Lựu, quận 1. Phần sân trước nhà ngổn ngang những biển quảng cáo đang đóng dở, ba của Diệu Liên vẫn cần mẫn bên chiếc máy bắn vít để đóng tấm biển hiflex lên khung nhôm. Khó ai có thể tin được, cô tân sinh viên xuất sắc giành được học bổng 7 tỷ của Harvard, đã lớn lên từ một mái nhà nhỏ bé đơn sơ như thế này.

Tuy vậy, Liên không áp lực cũng chưa bao giờ tự ti về xuất phát điểm của mình. Bởi cô nàng tin rằng, những khó khăn trong quá khứ là yếu tố đã hình thành nên nhân cách và thành công của mình ngày hôm nay.

"Việc học tập cũng như tập thể dục, đa số mọi người cứ nghĩ là phải đến Trung tâm thể thao hay phòng tập gym với đầy đủ máy móc hiện đại thì mới tốt. Thật ra chúng ta vẫn có thể tập thể dục bằng cách chạy bộ, nhảy dây hay chạy xe đạp mà... Học cũng như vậy, có điều kiện thì tốt hơn, nhưng nếu mình thật sự muốn làm điều gì đó thì dù trong điều kiện nào cũng có thể thực hiện được", Liên chia sẻ trước khi lên đường sang Harvard.

Kể từ khi Liên nhập học Harvard, các thành viên trong gia đình đã gác lại những nhớ nhung để tiếp tục với công việc hàng ngày của mình. Và cô Lộc vẫn luôn như thế, sau khi kết thúc ca làm của mình, cô lại tất bật trở về nhà nấu cơm cho chồng và cô con gái nhỏ của mình.

Để Liên yên lòng ra đi mà không vương vấn gì, gia đình tự hứa với nhau sẽ không khóc. "Liên đi rồi sẽ về mà, biết lòng mình cũng nhớ nó lắm nhưng thôi, có khóc cũng về nhà mới khóc, lúc tiễn con thì cả nhà phải hứng khởi hết cỡ!", cô Lộc cười. 20 năm tảo tần nuôi con bằng nghề lao, công sức của cô Lộc cũng được đền đáp xứng đáng.

Bố mẹ Liên đều cho biết, sau 4 năm học tại Harvard, Liên có thể đưa ra quyết định ở lại hay về Việt Nam. Cô chú đều không can thiệp vào quyết định này. "Tôi tin là con gái luôn biết điều gì là tốt nhất cho bản thân nó", chú Dư, bố của Diệu Liên, chia sẻ.

Tuy nhiên như Liên đã nói, học bổng 7 tỷ, Harvard, trở thành du học sinh… tất cả những thứ đó không phải là đích đến, chưa từng là một thành công vang dội đáng để mình thỏa mãn, bởi chặng đường gian khó của Diệu Liên bây giờ mới thực sự bắt đầu. Nước Mỹ đang vào thu, sau những giờ học căng thẳng trên lớp, Liên vác theo chiếc máy ảnh mà mình dành dụm tiền để mua ở Việt trước đó, để đi chụp ảnh, Liên cũng tham gia câu lạc bộ Kiếm đạo Nhật Bản (Kendo), làm bài tập mỗi đêm, và một ngày cuối tuần thảnh thơi, Liên đã dành một ít quỹ thời gian quý báu của mình để chia sẻ với tôi về những ngày đầu tuyệt vời ở Harvard.

Và điều đầu tiên mà Liên chia sẻ đó là bạn rất nhớ những người thân, bạn bè nhưng "hiện tại mình cảm thấy nên dồn nhiều năng lượng vào việc hòa nhập với môi trường ở Mỹ hơn là cứ phải nhìn lại quá khứ để nhớ, để quẩn quanh với câu hỏi rằng "Có khi nào sẽ tốt hơn nếu mình ở lại Việt Nam hay không?".